Không lâu sau, mẹ và giám đốc Cao thực sự đến với nhau.

Nhưng ở trong xưởng, hai người vẫn làm bộ như không có gì.

Để tôi nói cho mà nghe…

Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén.

Có lúc họ ân ái đến mức phát ngấy luôn!

Tôi và Cao Triết Viễn đều cảm thấy mình trở nên dư thừa.

Mùa hè năm lớp 11, bố tôi và dì Tiểu Phương ly hôn.

Bố tôi khóc lóc thảm thiết chạy đến tìm mẹ.

“Cô ta chỉ lợi dụng anh thôi!”

“Vừa thi đại học xong, thằng Châu Thắng đỗ rồi, cô ta liền đạp anh ra khỏi cửa.”

“Nói cái gì mà con trai lớn rồi có tương lai, không cần một gã đàn ông vô dụng như anh nữa.”

“Hóa ra bao năm nay cô ta đã đặt vòng tránh thai, dù anh có cố gắng thế nào cũng không sinh thêm con được.”

“Anh còn tưởng do mình có vấn đề, ai ngờ bị lừa hết cả đời!”

“Ngọc Phân, vòng đi vòng lại, em vẫn là người tốt nhất.”

“Con của người ta dù tốt đến đâu cũng chẳng phải ruột thịt, vẫn là con mình mới đáng tin cậy.”

“Chúng ta tái hôn đi, cả nhà mình sẽ không bao giờ chia lìa nữa.”

27

Mẹ dựa người vào khung cửa, nhìn ông ta khóc như thể xem một trò hề.

Đợi ông ta khóc đủ lâu, bà mới thản nhiên nói:

“Anh chờ chút, tôi có cái này muốn cho anh xem.”

Bà vào nhà, lấy ra một tấm thiệp cưới đỏ chói đưa cho bố tôi.

“Tháng sau, ngày 20, tôi tổ chức đám cưới, mời anh đến dự.”

“Vốn dĩ cưới lần hai không cần rình rang, nhưng ông Cao nói tôi cưới lần đầu chẳng có gì, lần này nhất định phải bù đắp lại.”

“Cho nên váy cưới, hôn lễ, tiệc rượu, cái gì cũng phải có đủ.”

“Bé Bối làm phù dâu cho tôi, con trai riêng của chồng tôi làm phù rể.”

“Tôi biết anh không có tiền, chỉ cần đến uống rượu là được, không cần mừng cưới đâu.”

Bố tôi nhìn chằm chằm vào tấm thiệp đỏ, miệng há hốc như muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng chỉ rớt xuống những giọt nước mắt đục ngầu.

“Ngọc Phân, anh sai rồi.”

“Anh sai hoàn toàn rồi!”

“Anh không phải là người!”

Ông ta dựa vào tường, chậm rãi trượt xuống, ôm đầu khóc nức nở:

“Anh nhặt hạt vừng, đánh mất quả dưa hấu to!”

“Xin em tha thứ cho anh đi, đừng kết hôn với họ Cao, chúng ta mới là một gia đình thật sự!”

“Bé Bối, Bé Bối, con nói giúp bố một câu đi!”

Mẹ nhìn xuống ông ta từ trên cao, giọng lạnh lẽo:

“Muộn rồi. Chúng tôi đã đăng ký kết hôn, chỉ là tiệc cưới tổ chức muộn một chút mà thôi.”

“Từ giờ tôi là người có chồng, đừng đến tìm tôi nữa.”

Nói xong, bà đóng sập cửa lại.

Bên ngoài, tiếng khóc của bố tôi vẫn tiếp tục.

Mẹ dạy tôi một bài học.

Bà hỏi:

“Con biết tại sao bố con lại hối hận khi ly hôn với mẹ không?”

“Vì ông ta bị đuổi ra khỏi nhà, không có chỗ nào để đi?”

“Đó chỉ là một phần.”

“Quan trọng nhất là vì mẹ sống tốt.

“Chính vì mẹ sống tốt, ông ta mới cảm thấy không cam lòng, mới bắt đầu hối hận.”

“Nếu bây giờ mẹ vẫn là cô Kim Ngọc Phân nghèo rớt mồng tơi, quanh năm suốt tháng chỉ biết nuôi gà nuôi lợn, thì ông ta sẽ thế nào?”

“Chắc chắn ông ta sẽ đứng trên cao, khinh miệt nói: ‘Ngọc Phân, dù sao em cũng không ai thèm cưới, tôi chịu lấy em đã là tốt lắm rồi’.”

“Bé Bối, vì vậy, phụ nữ không bao giờ được ngừng nỗ lực.”

“Nếu mẹ cũng như những công nhân khác, tan làm chỉ biết đi mua sắm, đánh mạt chược, thì liệu giám đốc Cao có để mắt tới mẹ không?”

Phải rồi.

Trong xưởng có biết bao công nhân nữ, nhưng tại sao giám đốc Cao lại chọn mẹ tôi?

Vì mẹ tôi luôn cố gắng.

Vì dù khó khăn đến đâu, bà cũng không từ bỏ.

Bởi những người không ngừng nỗ lực, sẽ tỏa sáng.

Sẽ nổi bật giữa đám đông tầm thường, để người khác nhìn thấy ánh sáng của họ.

Sau khi bố tôi về làng, bà nội mất hết khí thế.

Con trai 40 tuổi, bỗng dưng trở thành một gã trai ế.

Bà ta bắt đầu tất bật lo chuyện dựng vợ gả chồng cho ông ta.

Ban đầu, bà muốn tìm một cô trẻ trung, có tiền.

Về sau, bà nội lại muốn tìm một cô gái trẻ, khỏe mạnh, chưa có con, dễ sinh đẻ cho bố tôi.

Không tìm được, bà ta lại hạ tiêu chuẩn: Có con riêng cũng được, chỉ cần có thể sinh thêm.

Rồi tiếp tục nhượng bộ, tuổi lớn cũng không sao, miễn là chịu khó hầu hạ đứa con trai cưng của bà.

Nhưng tiếng xấu của bà ta lan xa, ai cũng biết bà nội ác độc, bố tôi cả đời ăn bám.

Không ai muốn cưới về làm vợ.

Cuối cùng, bà nội cầu xin mẹ tôi:

“Ngọc Phân, dù sao vợ chồng cũng từng đầu ấp tay gối, con với Thanh Sơn trước kia cũng có tình cảm, hơn nữa hai đứa còn có Bé Bối.”

“Vợ chồng trẻ là duyên, già rồi là bạn.”

“Trước đây là mẹ không tốt, mẹ không nên đối đầu với con.”

“Mẹ không trách con tái hôn nữa, chỉ cần con và Thanh Sơn quay về bên nhau, cho Bé Bối một mái ấm trọn vẹn.”

“Mẹ quỳ xuống cầu xin con được không?”

28

Bà nội muốn dùng đạo đức trói buộc mẹ.

Nhưng mẹ tôi chẳng bao giờ mắc bẫy.

“Bà có quỳ lạy tổ tiên mười tám đời nhà tôi cũng vô ích.”

“Bảo vệ, lôi ra ngoài!”

Lúc đó, xưởng có hai bảo vệ là bộ đội xuất ngũ, bà nội lập tức bị nhấc bổng lên trời.

Bà ta trở về không bao lâu, thì bắt đầu mắc chứng mất trí tuổi già.

Những lúc mất trí, bà ta chửi ầm lên:

“Mấy giờ rồi, con mẹ Ngọc Phân sao còn chưa về? Cơm tối có nấu nữa không?”

Những lúc tỉnh táo, bà ta lại khóc:

“Tội nghiệt, tất cả đều là nghiệp chướng tôi gây ra…”

Sau đó, bà ta té ngã một cú làm méo mặt, méo miệng, phải nằm liệt giường.

Từ đó, phải có người bưng bô, hầu hạ đi vệ sinh.

Bố tôi không phải đứa con hiếu thảo.

Bà Triệu nói, nhà bà nội hôi thối đến mức đứng bên kia sân vẫn ngửi thấy.

Bà ta nằm trên giường, khắp người lở loét, đau đớn rên rỉ.

Giằng co hơn một năm, đến đêm giao thừa năm tôi học năm hai đại học, bà ta qua đời.

Với tư cách cháu gái, tôi cũng phải trở về trông linh cữu.

Bố tôi quỳ trước quan tài, khóc đến đứt từng khúc ruột, nắm chặt vai tôi, gào lên:

“Nó là bà nội con, sao con không khóc?”

Tôi nhếch môi, nhìn ông ta đầy lạnh lẽo:

“Từ nhỏ bà ấy đã đối xử với tôi như vậy, tôi không khóc nổi.”

“Sau này, khi bố chết, tôi chắc chắn cũng sẽ không khóc.”

“Giờ bố có phải đang vui vì đã vứt bỏ được cái gánh nặng này không?”

“Còn làm bộ làm tịch gì mà giả vờ con hiếu thảo?”

Nếu thực sự hiếu thảo, thì khi còn sống đã phải đối xử tốt với bà ta.

Sau khi chết, có khóc to thế nào cũng chỉ là diễn cho thiên hạ xem.

Khoảnh khắc đó, bố tôi như bị gạch đập trúng đầu.

Ông ta lùi lại vài bước, ngồi phịch xuống đất.

Ông ta hai tay ôm mặt, vai run lên từng cơn, cả người rung bần bật.

Lần này, ông ta thật sự khóc.

Nghĩ đến những gì mình đã làm, nghĩ đến viễn cảnh về già cũng sẽ như bà nội, có lẽ ông ta hối hận rồi.

Nhưng…

Đáng tiếc.

Dù là tôi hay mẹ, chúng tôi đều sẽ không bao giờ quay đầu lại.

À, quên chưa kể.

Khi tôi và Cao Triết Viễn thi đại học, tôi đỗ một trường 985 xếp hạng thấp, còn cậu ấy đỗ một trường 211 khá tốt.

Trường đại học của hai đứa cách nhau không xa.

Cuối tuần, tôi đến tìm cậu ấy.

Cậu ta khoác vai tôi, hào hứng giới thiệu với bạn cùng phòng:

“Đây là em gái ruột của tôi, tụi tôi là sinh đôi Long Phụng. Thấy sao, giống không?”

Bạn cùng phòng gật đầu lia lịa, ai cũng nói hai đứa trông thật sự giống nhau.

Tôi và Cao Triết Viễn liếc nhau cười, không vội giải thích.

Giống hay không cũng chẳng quan trọng.

Tôi coi cậu ấy như anh trai, cậu ấy coi tôi như em gái.

Chúng tôi sẽ mãi mãi là anh em.

Xưởng sản xuất tre của bố Cao trải qua nhiều thăng trầm.

Sau vài năm phát triển bùng nổ, đến năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến thị trường nước ngoài chững lại.

Xưởng chật vật chống đỡ suốt ba năm.

Sau đó, thành phố triển khai khu công nghiệp sinh thái, bố Cao và mẹ tôi giành được suất đầu tư, nhờ đó vượt qua khủng hoảng.

Những năm ấy, mẹ học lớp bổ túc ban đêm, lấy bằng cử nhân tự học, thi đỗ chứng chỉ kế toán.

Bà còn đăng ký khóa học tiếng Anh, học Word, Excel.

Tôi thậm chí còn thấy bà dùng phần mềm để trò chuyện với người nước ngoài.

Mỗi lần tôi về nhà, bà lại có thêm một kỹ năng mới.

Bố Cao hay trêu mẹ:

“Em cái gì cũng biết một chút, nhưng chẳng có gì giỏi hẳn.”

Trong khuôn viên nhà xưởng mới, bố Cao trồng rất nhiều thược dược.

Loài hoa này nở muộn, nhưng kéo dài rất lâu.

Nó chịu hạn, chịu lạnh tốt, dễ chăm sóc, bông hoa to, màu sắc rực rỡ, từng chùm từng chùm khoe sắc.

Bố Cao chỉ vào luống hoa, cười nói:

**”Hoa này giống y như em vậy. Càng già càng đẹp, mà đẹp dai!””

Mẹ tức giận, phạt ông tối đó không được ăn thịt.

Ông ấy chạy đến than vãn với tôi và Cao Triết Viễn.

Chúng tôi chỉ bình thản lắng nghe, xem như một màn khoe khoang tình cảm.

Chúng tôi đều yêu quý mẹ.

Vì bà luôn tìm tòi, không bao giờ dừng lại.

Vì bà luôn nói với chúng tôi:

“Nhát gan cái gì? Thất bại có chết được đâu!”

“Chỉ cần còn sống, thì còn có cơ hội.”

Sau này, tôi đọc được một quyển sách có tên “Chuyện kỳ lạ của Benjamin Button”.

Trong đó có một câu rất hợp với mẹ tôi:

“Chỉ cần bạn muốn bắt đầu một việc gì đó, thì bất cứ lúc nào cũng không phải là quá muộn.”

Vậy nên, dù bạn 15 tuổi hay 50 tuổi,

Chỉ cần bắt đầu, thì không bao giờ là muộn.

– HẾT –