6
Chữa bệnh như một cái hố không đáy, có đổ bao nhiêu tiền vào cũng không lấp đầy nổi.
Bác sĩ đã nói rất rõ: bại não chỉ có thể cải thiện, không thể chữa khỏi. Mà cải thiện đến mức nào, ngay cả bác sĩ cũng không dám đảm bảo.
Bố tôi và bà nội như đã chấp nhận số phận. Còn mẹ tôi thì vẫn không cam lòng, lúc nào cũng khăng khăng rằng em tôi nhất định có thể chữa khỏi.
Tôi biết cơ hội của mình đã đến, liền bắt đầu tỏ ra ngoan ngoãn, lấy lòng bà nội.
“Bà ơi, con nhặt được ít củi, để con đun nước cho bà nhé, giặt đồ khỏi lạnh tay.”
“Bà ơi, sau này con lớn rồi, quần áo trong nhà cứ để con giặt hết, bà chỉ cần nghỉ ngơi thôi.”
“Bà ơi, gà con cho ăn rồi, chuồng lợn con cũng dọn rồi, để con trông em giúp bà nhé.”
Nhưng mẹ tôi lại không vui khi thấy tôi cứ lượn quanh bà nội lấy lòng. Nghe tôi nói xong, bà ta lập tức gào lên the thé:
“Đồ sao chổi lòng lang dạ độc! Ai cho mày đụng vào em mày? Cút ngay! Đồ chết tiệt, tránh xa con trai tao ra!”
Bị chửi, bị đánh, tôi cũng không để bụng. Tôi chỉ khẽ liếc nhìn bà nội, ánh mắt rụt rè, rồi tiếp tục giúp việc.
Giúp được thì giúp, không giúp được cũng phải ráng giúp.
Bà nội tôi ban đầu còn mắng mỏ, nhưng có người làm việc giúp, bà cũng nhàn thân hơn, lại càng vui vẻ sai tôi như trâu ngựa.
Số lần tôi bị đánh ít đi rõ rệt. Mẹ tôi nhìn tôi ngày càng không ưa nổi.
Bà không chịu nổi việc tôi lấy lòng bà nội, cũng vẫn ghi hận chuyện tôi không cho uống thuốc. Nhưng bà biết rõ thuốc là do bà nội lấy đi, không dám trách, nên cứ tìm cách khác để hành hạ tôi.
Ngày tháng cứ thế trôi đi, em trai tôi – một đứa trẻ không khóc không cười – trở thành bi kịch mà cả nhà không muốn nhắc đến nhưng ngày nào cũng phải đối mặt.
Đặc biệt là mỗi khi nhìn thấy mấy đứa trẻ cùng tuổi trong làng chạy nhảy khắp nơi, sà vào lòng người lớn mà nũng nịu.
Mẹ tôi cả ngày mặt mày u ám, thỉnh thoảng lại bị bà nội mắng vài câu. Bà nội vẫn nhớ chuyện thuốc men, nên dạo này không đánh bà nữa, nhưng bố tôi thì khác.
Làm phụ hồ cả ngày mệt mỏi, về nhà lại phải nhìn cảnh chướng tai gai mắt, tính tình ông ngày một cáu bẳn, rồi trút hết mọi giận dữ lên mẹ tôi.
Tôi nghe thấy rất nhiều lần, bố vừa đánh mẹ vừa mắng bà vì cái tật thèm ăn, chỉ vài bước đường cũng phải đội mưa ra đầu làng đợi chồng. Nếu không vì thế thì con trai ông đâu đến nỗi.
Phải rồi, bố tôi là một đứa con hiếu thảo, ông làm sao dám trách bà nội được?
Trong làng bắt đầu có người nhỏ to khuyên nên bỏ em tôi, rồi sinh lại đứa khác.
Nhưng em đã lớn thế này, trắng trẻo mũm mĩm như vậy, sao nỡ lòng nào vứt bỏ?
Hơn nữa, sức khỏe mẹ tôi yếu, bầu đứa thứ hai đã phải dưỡng suốt mười năm, đứa thứ ba không biết đến bao giờ mới có.
Có người dám hé miệng nói chuyện đó, mẹ tôi nổi trận lôi đình một lần, từ đó chẳng còn ai dám đề cập đến nữa. Họ hàng cũng bắt đầu tránh né nhà tôi, sợ bị vay mượn.
7
Cùng lúc đó, thành tích học tập nổi bật của tôi dần dần được dân làng đem ra khen ngợi trước mặt bố mẹ tôi. Nhưng tất nhiên, họ chẳng hề bận tâm.
“Một đứa con gái thì học nhiều làm gì, cuối cùng chẳng phải cũng đi lấy chồng à? Đến lúc biết làm việc thì cho nó nghỉ học, còn mơ được ở trường sung sướng hả?”
Năm tôi mười một tuổi đang học lớp bốn, gần như toàn bộ việc nhà đều đổ lên vai tôi. Bố tôi thì chẳng nỡ để em trai đụng tay việc gì, cách vài ngày lại khăn gói lên thành phố một chuyến.
Chỉ mong em trai tôi có cơ hội cải thiện, ít nhất cũng có thể truyền nối dòng giống.
Tiền trong nhà cứ thế đội nón ra đi, hai năm nay bố tôi lúc nào cũng mang theo một vẻ u ám.
Mẹ tôi cũng đi làm công ty trên huyện, sáng đi tối về, mỗi tháng chưa đến hai triệu.
Nhưng cho dù vậy, lương của cả hai cộng lại cũng chẳng đủ lo vài chuyến viện phí cho em tôi — đúng nghĩa một cái hố không đáy.
Mãi đến khi em trai tôi lên bốn mới biết đi, nói chuyện không rõ, ánh mắt ngơ ngác, lúc nào cũng nước mũi chảy lòng thòng, cằm thì ướt mem. Đám trẻ trong làng đều gọi nó là “thằng ngốc”, nó nghe không hiểu, chỉ biết cười ngây ngô theo.
Còn tôi, ngoài việc học và làm việc nhà, số tiền ít ỏi từ việc nhặt chai lọ cũng đều mang về nhà. Ngoài mua cho em một cây kẹo mút, còn lại tôi đều đưa hết cho bà nội.
Tôi học rất giỏi, môn nào cũng đứng nhất, tay chân siêng năng, đối xử với em trai cũng rất tốt. Còn biết thỉnh thoảng thả ra mấy câu kiểu: “Đợi chị thi đậu đại học, chị sẽ đưa em đi gặp bác sĩ giỏi nhất, chắc chắn sẽ chữa được cho em.” – cố tình để bà nội và bố nghe thấy.
Họ nghe xong thì hài lòng, nhất thời cũng không còn nghĩ đến chuyện bắt tôi nghỉ học.
Nhưng tôi biết như vậy vẫn chưa đủ. Học kỳ hai lớp năm, tôi dựa theo ký ức kiếp trước, tham gia cuộc thi toán tiểu học cấp huyện và giành giải nhất.
Phần thưởng là sáu trăm đồng, tôi đem hết đưa cho bà nội, đổi lại được lần đầu tiên trong đời được khen ngợi.
“Chà, Thu Đệ à, cháu phải cố mà học giỏi nhé, sau này em trai cháu còn trông cậy hết vào cháu đấy!”
Tôi đương nhiên gật đầu rối rít, nhưng làm sao tôi có thể thật lòng vì người đã góp phần biến kiếp trước của tôi thành địa ngục được chứ? Tôi hận nó, dù kiếp này nó chỉ là một thằng ngốc.
Em trai tôi thật ra rất sợ tôi. Tôi không đánh, không chửi, chỉ dùng ánh mắt lạnh lẽo, sắc như dao nhìn nó.
Nó không muốn ở gần tôi, nhưng lại tiếc cây kẹo trong tay tôi.
Vì thế, trước mặt tôi lúc nào nó cũng ngoan ngoãn.
Bà nội và bố tôi thì tưởng tình cảm anh em tôi tốt, cái nhìn về tôi cũng chẳng còn là cái “đồ sao chổi” như trước nữa.
Tôi nói với họ rằng: đạt thủ khoa cấp huyện sẽ được thưởng, mà thi đỗ đại học lại càng được thưởng nhiều hơn — với cái nhà hiện tại mà nói, đó là một con số khổng lồ.
Bà nội tôi còn cẩn thận đi hỏi lại người ta. Khi biết lời tôi là thật, ánh mắt nhìn tôi cũng hoàn toàn khác.
Tôi biết, kiếp này bà ta sẽ không bao giờ nhắc đến chuyện bắt tôi bỏ học nữa.
8
Lúc tôi học lớp 6, trên mặt bố tôi lại bắt đầu xuất hiện nụ cười, ra khỏi nhà còn chải chuốt một chút, cả người trông bừng sáng hẳn lên.
Tôi lạnh lùng quan sát, tính toán thời gian, chắc cũng không bao lâu nữa là nhà tôi lại “vui vẻ” rồi.
Tôi bắt đầu để ý đến mẹ – người từng như nước với lửa với tôi. Kiếp này, vị trí giữa tôi và mẹ trong nhà hình như đã bị đảo ngược. Nhờ có tôi, những trận đòn mà tôi từng phải gánh ở kiếp trước, giờ đều rơi hết lên người bà ấy.
Dù chỉ có hai mẹ con ở nhà, tôi cũng chưa từng bị thiệt. Hễ mẹ đánh tôi là tôi phát điên lên, chạy ra ngoài, làm ầm ĩ lên cho cả làng biết.
Bố tôi ghét mất mặt, tát cho tôi một cái xong, mẹ tôi cũng không tránh khỏi ăn vạ lây.
“Bà ngày nào cũng ăn no rảnh việc, cứ phải kiếm chuyện với con bé là sao hả?!”
Thấy chưa, học hành vẫn có thể thay đổi được vài chuyện đấy.
Tôi còn đang chờ xem trò hay, không ngờ mẹ tôi lại xảy ra chuyện trước.