“Hồi đó tao bảo mày cho tao uống thuốc, sao mày không cho?! Đồ sao chổi đáng chết, đồ sao chổi vô dụng! Tất cả là tại mày! Kim Bảo đáng thương của tao, đều là mày hại, là mày làm hại nó! Mày chết quách đi cho rồi! Tao đúng là không nên sinh ra mày!”

Tôi còn nhỏ, làm sao tránh được những cú đấm cú đá điên cuồng của bà. Bố tôi chỉ đứng đó lạnh lùng nhìn, sắc mặt u ám cực độ.

Cuối cùng cũng nhờ hàng xóm nghe thấy tiếng động mà xông vào can ngăn, tôi mới không bị đánh đến chết.

Thật nực cười. Kiếp trước bà ấy trách tôi cho uống thuốc, kiếp này lại trách tôi không cho uống.

Thể chất thì hoàn toàn có thể bồi dưỡng. Kiếp trước em tôi mập mạp cứng cáp, mười mấy tuổi đã to như con bò con.

Họ thừa biết chuyện chẳng liên quan gì đến tôi, nhưng vẫn đổ hết lỗi lầm, mọi bất hạnh lên đầu tôi. Không ai quan tâm đúng sai, tôi chỉ là thứ để họ trút giận, là một con vật bị họ nắm trong tay cả đời.

Nhưng mà, tại sao chứ?

Rõ ràng không phải tôi làm mẹ bị sốt, càng không phải tôi cướp thuốc của bà. Những gì có thể làm, tôi đều đã làm rồi!

Không sao cả, tôi tự nhủ. Chắc là mẹ bị bệnh tình của em làm cho sốc quá nên mới như vậy. Nếu bà không nhớ, thì để tôi nhắc bà.

Tôi trốn sau lưng hàng xóm, sợ hãi nhìn mẹ. Đôi mắt đỏ ngầu, thở hổn hển, trông như kẻ mất trí.

“Mẹ… mẹ ơi… Thu Đệ biết sai rồi… Nhưng… nhưng mẹ bảo uống thuốc… là lúc mang thai em phải không?… Con… con đã nghe lời mẹ đi mua thuốc rồi mà… lúc đó… lúc đó…”

Tôi vừa khóc vừa nấc, lắp bắp nhắc nhở tất cả mọi người có mặt lúc đó.

“Mẹ… mẹ đừng trách bà nội… bà chăm mẹ mà… bà không cho mẹ bị lạnh… bà đều là vì mẹ với em thôi mà… bà…”

Tôi đã thành công nhìn thấy khuôn mặt mẹ tôi méo mó trong tích tắc. Bỏ qua chuyện công lao gì đó, bà ấy thật sự rất yêu em trai tôi.

Nhưng bà nội tôi còn yêu hơn. Có lẽ sau khi nghe bác sĩ nói gì đó, bà biết rõ chuyện không cho mẹ tôi uống thuốc lúc đó là do mê tín cổ hủ, là hại cả mẹ lẫn con.

Biết mình sai lý, trong lòng vốn dĩ đã vừa đau vừa giận, giờ nghe tôi nói vậy, bà liền bùng nổ.

Và bà còn điên hơn cả mẹ tôi.

“Con đĩ ham ăn, đồ đàn bà lẳng lơ! Mày hại cháu tao! Mày hại chết cháu đích tôn của tao rồi!”

Một cây chổi quật thẳng vào lưng mẹ tôi, bà hét lên một tiếng, mặt tái xanh, rồi hoảng loạn bỏ chạy khắp sân, chẳng còn tâm trí đâu mà để ý tới tôi nữa.

5

Mẹ tôi bị sốt trong lúc mang thai cũng không phải vô cớ. Phụ nữ mang bầu thì hay thèm ăn, hôm đó bố tôi lĩnh lương, nói sẽ mua cua cho bà ăn. Trời đang mưa phùn, mẹ nhất quyết ra đầu làng chờ bố về.

Kết quả là tối hôm đó ăn cua xong, đến chiều hôm sau thì bắt đầu sốt nhẹ.

Chuyện đó có lẽ mẹ tôi đã quên rồi, nhưng tôi thì không. Bà nội tôi đã kìm nén lâu như vậy, tôi – làm cháu – đương nhiên phải tạo cơ hội để bà trút giận. Nhỡ đâu nghẹn quá mà sinh bệnh thì sao?

Thuốc là tôi mua, đổi lại là một trận đòn từ bà, bà còn tới trạm y tế gây sự, chuyện ai cũng biết. Trừ khi bà muốn mãi mãi bị mẹ tôi đè đầu cưỡi cổ, muốn để bố tôi cả đời oán trách bà, thì bằng không, bà nhất định sẽ thuận theo lời tôi mà đổ hết lỗi lên đầu mẹ.

Tôi không rõ lần này mẹ còn có thể lấy lý do gì để hận tôi nữa. Nhưng mà nghĩ lại cũng thấy vô lý — bà ấy hận tôi thì đâu cần lý do.

Tiếng mẹ tôi la hét như bị mổ heo vang khắp sân, hàng xóm có kéo cản cũng không nổi, chỉ biết thở dài than “tội nghiệp quá”.

Ầm ĩ đến thế mà em trai tôi vẫn ngủ ngon lành.

Bố tôi ngồi xổm trước cửa, hai tay ôm đầu, cả người trông thật tàn tạ.

Em tôi thành ra thế này, nhà lại chẳng khá giả, ngoài vài mẫu ruộng thì cả nhà trông vào tiền công phụ hồ của bố — một ngày được 90 nghìn. Những năm qua có lẽ tích góp được chút ít, nhưng để chữa bệnh cho em thì chẳng thấm vào đâu.

Huống hồ, với y học hiện nay, bại não là bệnh không thể chữa khỏi.

Cả nhà rối tung cả lên, còn tôi thì chẳng có cảm xúc gì.

Vì tối hôm đó, khi tôi ráng chịu đau để pha nước ấm lau người cho em, lại tình cờ nghe thấy bố và bà nội đang bàn nhau chuyện bán tôi đi lấy tiền chữa bệnh. Bởi em tôi trông bên ngoài vẫn chưa khác nhiều so với đứa trẻ bình thường, họ không nỡ buông bỏ.

Tôi mím môi quay vào nhà, trong lòng không vui, cũng chẳng buồn.

Tôi hiểu rất rõ, cái nhà này chẳng khác nào một đầm lầy, cho dù tôi có vùng vẫy đến đâu cũng không thoát ra nổi. Nên từ lúc được sống lại, tôi đã luôn sẵn sàng cho một cuộc đồng quy vu tận.

Tôi từng chết một lần rồi, sống ra sao cũng chẳng quan trọng nữa. Dù có chết thêm lần nữa, tôi cũng nhất định phải kéo theo vài người cùng đi.

Tôi ghét tất cả bọn họ — ghét một cách công bằng.

Sáng hôm sau, tôi vẫn dậy sớm như thường lệ, cho gà ăn, đi cắt rau cho heo, rồi giấu nửa cái bánh bao duy nhất trong người, đi bộ nửa tiếng tới trường.

Tan học, tôi tranh thủ nhặt vỏ chai nhựa, rồi tìm chỗ kín đáo giấu đi.

Một cái chai nhựa bán được hai xu. Thuốc tôi mua cho mẹ là dùng tiền đổi từ vỏ chai mà ra. Tôi nhặt suốt một tháng mới gom được hơn bảy đồng.

Tôi cần thời gian, cũng cần tiền.

May mà những ngày sau đó, bà nội và bố mẹ bận đưa em trai lên thành phố khám bệnh, chẳng ai còn tâm trí để ý đến tôi.

Họ đi càng ngày càng nhiều, mà nét mặt khi về càng thêm sốt ruột, thất vọng. Hầu như lần nào họ về, tôi cũng bị ăn đòn.

Ý định bán tôi của bố tôi cũng dần nguội lại, không phải vì tình thân, mà bởi tôi nghe được bà nội nói:

“Nếu như… Kim Bảo sau này chẳng còn ai thì cũng phải có đứa lo cho nó cả đời chứ. Con nhóc chết tiệt kia giờ chẳng lớn chẳng nhỏ, có bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền, thôi kệ đi.”

Mẹ tôi nghe lời bố, mà bố thì nghe lời bà nội, nên chuyện đó coi như xong.