Trời ơi, người thành phố mua người còn dùng… vàng để giao dịch?! Chói sáng muốn mù mắt tôi luôn, Lý Thanh Lưu bị lóa đến ngất xỉu tại chỗ.

Cả một ngôi làng dính líu đến vụ án, xe cảnh sát đến không đủ để chở hết người.

Ông nội không chịu bỏ lỡ cơ hội được thể hiện lần này, dốc toàn lực phối hợp với cảnh sát.

Xe cần là có xe, người cần là có người, còn phụ giúp luôn cả việc ghi danh từng người một.

Các cô gái cũng đi theo, nói là muốn lấy lại chứng minh thư và điện thoại.

Trong lúc bắt người, mấy cô gái vừa sợ vừa tức, xuống tay hơi nặng cũng là chuyện bình thường.

Tôi nhìn thấy một gã bị một chị gái đánh gục, nằm ôm hạ bộ rên rỉ không dậy nổi.

Tôi thì tiện chân sút thêm hai cái vào cái tên Lý Thành vẫn còn chưa lành vết thương.

Hắn rên lên một tiếng:
“Vương Linh Linh, dù sao bọn mình cũng từng có một đoạn tình cảm, sao em nỡ ra tay nặng vậy…”

Khoảnh khắc đó tôi cảm thấy… mất mặt thật sự!

Tôi đá thêm hai phát ngay miệng hắn. Không thể để thêm ai biết tôi từng quen với cái thể loại rác rưởi như vậy!

Còn có mấy cô bị “thu nhận” nhiều năm về trước, từng bị ép giúp đỡ bọn họ — nay thấy có cơ hội, càng xuống tay không nương tình.

“Các chị sao giờ mới tới!!”

Họ vừa khóc vừa cười, không chần chừ leo thẳng lên xe cảnh sát.

Xe bắt người lên rồi lại xuống, trạm cảnh sát, đồn công an đều sắp kín chỗ.

Từ làng họ Lý, cảnh sát tiếp tục tiến sâu vào các ngôi làng trong núi, bắt từng nơi một.

Có chỗ đơn thuần là “bán con lấy tiền”, có chỗ thì giống làng họ Lý, cấu kết với người ngoài để thu nhận “hàng”.

Tất cả đều là tội phạm.

Tay tôi cũng mỏi nhừ vì đánh. Gặp những tên ngoan cố chống trả, cảnh sát không tiện ra tay mạnh, thì đành để tụi tôi “ra oai” hộ.

Nhưng mà… đã tay thật!

Một cái tát, hai cái tát, choáng váng nhưng không nguy hiểm. Vừa đúng chuẩn.

Từ sáng đến tối, giữa dịp Tết Nguyên Đán, vụ này đã được đưa lên bản tin thời sự quốc gia.

Đến cảnh sát và bộ đội cũng bắt đến mức chai cảm xúc.

Mấy ánh mắt nhìn ông nội tôi đều thay đổi.

Hơn nữa, làng tôi là một trong số ít ở Tây Sơn không dính đến vụ việc lần này.

Ông nội: Vậy thì phải làm sao? Thẳng lưng thêm chút nữa chứ sao.

Lãnh đạo cảnh sát sắc mặt nghiêm túc, ánh mắt sắc bén nhìn ông nội:

“Nghe nói tổ tiên ông cũng từng làm mấy chuyện này…”

Ông nội liền đáp không chút do dự:

“Giờ đều là nông dân hiền lành lương thiện rồi.”

“Chúng tôi kiên quyết chống lại tội phạm, tuyệt đối không bao che, không tiếp tay.”

Chặng đường lần này đúng là như đi vào địa ngục trần gian.

Ông nội thầm nghĩ: Bây giờ tôi không chỉ đỏ, mà là đỏ đến mức phát sáng!

Vị lãnh đạo cảnh sát bỗng cười, liếc nhìn tôi:

“Cô bé này nghe nói cũng đang định vào chính trường đúng không?”

Tim tôi đập thình thịch liên hồi.

Nhưng ông ấy lại nói nửa chừng thì im bặt, làm tôi muốn nghẹt thở vì hồi hộp.

Này, nói dứt câu dùm cái đi, cho người ta yên tâm với chứ!

Mỗi ngày, ở đồn công an và các trạm cảnh sát, người đến tìm người thân ngày càng đông.

Có người già tóc bạc, có người trẻ mặc vest bảnh bao — ai cũng đang tìm người thân mất tích.

Có người đến với hy vọng, nhưng thứ nhận lại chỉ là sự đau đớn tột cùng.

Ông nội nhìn cảnh tượng đó, cười nói:

“Chắc đám thanh niên trong làng lại ế dài rồi.”

Ông vừa nói vừa cười, nhưng cười một lúc… thì bật khóc.

Ông nội vẫn luôn hận ông cố tôi — vì những người như ông cố mà bao gia đình tan vỡ.

Đáng nói hơn, ông cố còn muốn ông nội nối nghiệp.

Ông nội ngoài mặt vâng dạ, sau lưng lập tức tố cáo, thẳng tay “đại nghĩa diệt thân”.

Về sau, trong làng ai có ý định nối lại nghiệp cũ đều bị ông đánh cho một trận rồi đuổi khỏi làng.

Cả đời ông, sống chỉ để thay đổi tư duy ba thế hệ.

Giờ người thân những kẻ bị bắt quay về, nước mắt nước mũi đầy mặt, sắp nhấn chìm ông nội trong nước bọt.

Còn ông thì chống gậy, tay cầm ly trà sứ lớn, khí thế ngút trời mà cãi lý với cả đám người.

Lấy tổ tông mười tám đời nhà người ta làm trung tâm, ông nội tôi mắng không chừa một ai, bắn phá toàn diện, không phân biệt đối tượng.

“*¥#%,chuyện tử tế thì không học, mấy cái thất đức thì phát huy cực mạnh, ơ hay, có cần bắt chước tổ tiên nhà mày, chết rồi cũng không yên không?!”

Không ít người bị ông mắng đến mức tức ói máu, phải nhập viện.

Ông nội lạnh nhạt nói:
“Đời ông tụi nó còn không đấu lại tôi, nếu ba tôi mà còn sống, tôi cũng mắng không nương tay.”

Ông oán trách ông cố không thôi.

Ngay trong đêm, ông lại cho dời mộ tổ tiên ra xa hơn nữa.

Chuyện này ầm ĩ kéo dài rất lâu. Không chỉ những làng trong vùng núi Tây Sơn bị liên đới, mà cả những người đã rời làng ra thành phố lập nghiệp cũng có người dính líu.

Từng người một bị điều tra, từng người một bị bắt giữ — quá trình đó cần rất nhiều thời gian.

Danh sách mà ông nội tôi cung cấp giúp ích rất lớn. Trong đó ghi lại chi tiết tình hình hôn nhân, gả cưới của từng làng — toàn bộ đều viết tay, nhiều cuốn đã ố vàng theo năm tháng.

Có thể tưởng tượng được, ông đã chuẩn bị cho chuyện này bao lâu rồi.

Làng tôi, trong các bản tin và báo cáo, lại như thể… biến mất.

Ông nội nói:
“Là đang bảo vệ chúng ta đấy.”

Có người trong ngành mặc thường phục đến tận nơi cảm ơn ông, hỏi ông muốn gì, chính quyền sẽ cố gắng đáp ứng.

“Nhờ có đồng chí Vương Trung Hoa hỗ trợ, chúng tôi mới có thể bắt gọn ổ một cách suôn sẻ.”

Ông nội cũng không khách sáo, dẫn họ đi một vòng quanh làng.

Cảnh làng, nhà dân, ánh mắt khao khát của bà con đều in vào mắt những người đó.

Đây chính là yêu cầu đầu tiên của ông nội.

Và thế là, năm sau, chính sách xóa đói giảm nghèo được ưu tiên đổ về làng Vương Gia.

Ông nội cũng xin một nguyện vọng cho riêng mình.

“Tôi muốn gia phả viết lại từ đời tôi bắt đầu.”

Ông cố… thôi khỏi nhắc nữa. Chết bao nhiêu năm rồi, nhắc làm gì thêm tổn thương.

Thế là, gia phả thật sự được viết lại từ đời ông nội.

Trên bia mộ của ông cố giờ ghi rõ: “Không con không cháu, cô đơn một mình.”

Không, giờ cũng chẳng còn gọi là ông cố nữa, mà là “Vương Thái Tổ Thúc”, không còn nằm trong gia phả dòng chính.

Ngày sửa gia phả, ông nội nhốt mình trong từ đường, gọi “mẹ ơi” suốt đêm.

Ba tôi kể, bà cố — tức mẹ ông nội — từng là con gái nhà tử tế.

Vậy mà cuối cùng… đến hài cốt cũng chẳng còn.

Ông nội cả đời không được gặp lại mẹ.

Chuyện sau đó không còn là việc tụi tôi có thể tham gia được nữa.

Người quen hỏi tôi Tết năm nay thế nào, bên nhà có chuyện gì không?

Tôi đâu thể nói mình ăn Tết bằng cách… đi bắt người.

Chỉ cười gượng cho qua.

Cuộc sống vẫn phải tiếp tục — ai làm nông thì làm nông, ai cày ruộng thì cày ruộng.

Cho đến một sáng đẹp trời, tôi nhận được một cuộc điện thoại.

“Đồng chí Vương Linh Linh, chuẩn bị đến đơn vị nhận việc nhé.”

Tôi quay đầu chạy như bay về nhà.

“Ông ơi, con sắp đi làm rồi ạ!”
End