Xuyên về những năm 70, tôi trở thành cô vợ nhỏ của một anh thợ máy thô kệch.

Hai vợ chồng cộng lại chưa có nổi hai đồng, ba gian nhà đất lụp xụp sắp sập đến nơi lại còn bị người khác nhòm ngó.

Chồng tôi dáng chuẩn, mặt mũi điển trai, chỉ tiếc là mồ côi, còn bị què, bị người ta khinh thường và chế giễu đủ kiểu.

Còn tôi thì càng thảm hơn – tôi bị câm, đến lúc cãi nhau còn phải dùng thủ ngữ để chồng phiên dịch chửi hộ.

Nhưng thế thì sao chứ?

Tôi cho nổ tung nhà vệ sinh của đám họ hàng có ý đồ xấu với mình, khiến bà thím tham lam phải trả giá đắt.

Cho mấy đồng nghiệp thích chơi xấu một bài học nhớ đời, bắt mẹ kế như đỉa hút máu phải trả lại từng giọt.

Dám bắt nạt chồng tôi? Trước tiên phải hỏi xem tôi có đồng ý không đã!

1

Trần Diễn Sinh đã dùng toàn bộ tài sản của mình – một trăm tệ và một chiếc đồng hồ – để cưới tôi.

Ngày anh đến nhà đón dâu, mặc bộ đồ xanh đậm đã hơi bạc màu vì giặt nhiều.

Trước ngực cài bông hoa đỏ to tổ bố, đạp chiếc xe đạp “đại bát” đến.

Từ xa nhìn lại, ngũ quan rõ nét, vai rộng chân dài, trông cũng ra dáng lắm.

Chỉ tiếc, anh bị tật một chân.

Không biết bản thân anh nghĩ sao về cuộc hôn nhân này, nhưng ba tôi và mẹ kế thì cười tươi không khép được miệng.

Cuối cùng cũng tống khứ được cái đứa ăn hại là tôi.

Tôi thì lại thấy vui – chồng có nhà, có việc làm, cha mẹ đều đã mất.

Nếu không vì cái chân tật thì còn lâu mới đến lượt một đứa câm như tôi.

Chỉ là, đến đêm tân hôn, tôi muốn khóc luôn tại chỗ.

Ba gian nhà đất này sắp sập đến nơi, mái thì cỏ mọc cao lút đầu, trong nhà chuột gián thi thoảng ghé chơi.

Tôi ngồi bên mép giường đất, nhìn căn nhà trống trơn, cảm giác muốn bỏ trốn ngay lập tức.

Trần Diễn Sinh có hơi say, ngồi cạnh bàn, ánh đèn dầu hắt lên gương mặt anh – đường nét góc cạnh rõ ràng.

Có lẽ anh nhìn ra suy nghĩ của tôi, khẽ nhíu mày nói:

“Cha mẹ tôi mất sớm, tôi phải vất vả kiếm sống nên chưa có thời gian sửa sang nhà cửa.”

“Em yên tâm, mấy hôm tới anh nhất định sẽ dọn dẹp lại cho đàng hoàng!”

Tôi cười, xua tay ra hiệu, rồi đứng dậy bước đến trước mặt anh, nắm lấy tay anh.

Mặt Trần Diễn Sinh đỏ bừng lên.

Tôi thổi tắt đèn dầu, tay còn lại vòng lên cổ anh.

Như được cổ vũ, Trần Diễn Sinh bỗng bế bổng tôi lên, đặt xuống giường đất.

Trong bóng tối, hơi thở cả hai gấp gáp, vải vóc xào xạc.

“Làm sao đây? Cái nút này sao cởi không ra vậy?”

Anh cố kìm nén sự hồi hộp, nhưng giọng vẫn phấn khích thấy rõ.

“He he he, anh tôi vụng về lắm!”

Đột nhiên, bên ngoài truyền đến tiếng cười khẽ và tiếng người nói chuyện.

“Ai đó?” Trần Diễn Sinh lập tức cảnh giác, bật dậy thắp đèn, chuẩn bị ra xem.

“Diễn Sinh, là thím và Đại Hành đấy!”

Giọng một người phụ nữ vang lên từ xa, rồi “két” một tiếng, cửa ngoài bị đẩy mở.

Tôi vội kéo chăn và quần áo che người, mặt đỏ như gấc chín.

Là thím hai và anh họ Trần Đại Hành của Trần Diễn Sinh.

Vợ chồng mới cưới đang đêm động phòng, mà dám rình nghe, còn trơ trẽn mò thẳng vào phòng tân nương? Vô liêm sỉ!

Nếu tôi không phải là đứa câm, nhất định sẽ chửi cho hai người đó tơi tả!

Trần Diễn Sinh nhìn thấy sự xấu hổ của tôi, khoác áo đứng chắn ngay trước cửa phòng:

“Thím ơi, con với Liễu Ánh đang ngủ rồi, thím còn dẫn Đại Hành tới, vậy không hay đâu!”

“Con không biết à? Đêm tân hôn mà không suôn sẻ là xui lắm đấy!”

“Con chưa có kinh nghiệm, thím định gọi Đại Hành đến chỉ dẫn cho con cách dạy dỗ vợ mới!”

Thím hai mặt dày đáp lời, còn Trần Đại Hành thì cất giọng the thé, định xông vào phòng:

“Chị dâu, anh tôi vụng về, chị thông cảm nha. Không thì… để tôi hầu hạ chị vậy!”

Tức chết tôi mà! Trong đầu đầy những câu chửi cay độc nhưng không thể hét ra, nghẹn muốn nổ phổi!

Gân xanh trên tay Trần Diễn Sinh nổi lên, anh thô bạo đẩy Trần Đại Hành ngã xuống nền đất ngoài phòng, quát lớn:

“Anh là cái thá gì? Nghe xem những lời các người vừa nói có phải lời người nói ra không?”

“Bao năm qua vơ vét của tôi chưa đủ à? Giờ tôi cưới vợ cũng không yên thân, còn mơ tưởng cái gì? Cút ngay cho tôi!”

Vừa nói, Trần Diễn Sinh vừa vớ lấy thanh củi bên bếp, lao thẳng vào người bọn họ, miệng không ngừng quát tháo:

“Cút!!!”

2

Tôi núp trong chăn, trong lòng lo lắng lẫn xúc động.

“Thằng què chết tiệt, giả vờ giỏi lắm! Đợi mai xem tao có cho mày no đòn không!” – Trần Đại Hành và thím hai chửi bới rồi bỏ đi.

Trần Diễn Sinh đi lòng vòng ngoài sân vài vòng, sau đó quay lại dùng vật nặng chặn cửa, rửa mặt thật mạnh rồi mới lên giường.

“Muộn rồi, ngủ thôi. Từ mai anh sẽ đưa đón em đi làm, nhớ cẩn thận với bọn họ!”

Anh nằm quay lưng về phía tôi, im lặng một lúc rồi bắt đầu lẩm bẩm:

“Anh nghèo, không có cha mẹ giúp đỡ, chân lại không lành lặn…”

“Nhưng anh chịu khó, anh tin mình sẽ có ngày sống khá hơn. Chỉ là… em theo anh phải chịu thiệt rồi.”

“Nếu em thấy hối hận… sáng mai anh đưa em về nhà!”

Không ngờ anh lại là kiểu trai “chính chuyên” như vậy.

Người tốt thế này không thể để phí được. Tôi đưa tay, nhẹ nhàng đặt lên eo anh.

Rồi từ phía sau ôm lấy tấm lưng vững chãi, rắn chắc ấy.

Anh khẽ rùng mình, sau đó lập tức xoay người đè tôi xuống.

Bà mai quả thật không nói sai – đàn ông ở nhà máy cơ khí, sức bền khỏi phải bàn!

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy thì Trần Diễn Sinh đã làm xong bữa sáng.

Trứng xào hành lá với mỡ heo, kèm theo một bát cơm trắng – đúng là món hiếm có ở cái thời đó.

Anh bê đến trước mặt tôi, cười tít mắt: “Mau ăn đi, ăn xong anh đưa em đến chỗ làm!”

Tôi ra hiệu bằng tay: Không cần, em được nghỉ ba ngày phép cưới. Còn anh sao không ăn?

Không ngờ Trần Diễn Sinh lại hiểu được thủ ngữ.

Anh đập tay lên trán: “Anh quên mất là có nghỉ cưới. Vậy em ăn xong cứ nghỉ ngơi thêm chút nhé. Anh tranh thủ dọn sân, tiện thể làm cho em cái tủ nhé? Anh ăn rồi!”

Chưa kịp trả lời, Trần Diễn Sinh đã ra ngoài sân bận rộn.

Đến khi tôi ngủ dậy lần nữa, anh đã sửa xong mái nhà, còn đóng thêm một cặp tủ gỗ để quần áo.

“Nói thật, từ khi biết sẽ cưới em, anh đã bắt đầu học thủ ngữ. Không giao tiếp được thì sống sao? Vì mải học nên chưa dọn dẹp nhà cửa được. Em yên tâm, trong ba ngày này nhà mình sẽ thay đổi hẳn!”

Trần Diễn Sinh là người từng chịu khổ, giờ cưới được vợ, trong lòng chỉ muốn gây dựng tương lai tốt đẹp. Tôi không thể để anh thất vọng được.

Tôi tìm báo cũ dán lại tường, sắp xếp lại trong ngoài nhà, cuối cùng cũng ra hình ra dạng.

Tôi ra hiệu: Em muốn một cái gương đứng.

Thấy người ta lấy chồng đều có nguyên bộ tủ kệ, trong đó thường có gương soi.

Trần Diễn Sinh ngượng ngùng, vò tay ấp úng không nói thành lời.

Lúc này tôi mới nhớ ra – ba tôi tham lam, vét sạch tiền tiết kiệm của anh.

Tiệc cưới chắc cũng tốn không ít.

Hiện tại, hai đứa trong túi chỉ còn đúng một đồng tám hào ba xu.

Tôi còn nhớ – tiệc cưới là do chú thím hai tổ chức, mấy món quà mừng từ đồng nghiệp của Trần Diễn Sinh, chắc chắn đã chui hết vào túi họ.

Củi nhóm lò… Tôi đảo mắt một vòng trong nhà, cầm ngay thanh củi xông thẳng ra ngoài.

Trần Diễn Sinh thấy tôi khí thế hừng hực, vội vàng đuổi theo:

“Em đi đâu vậy? Đợi anh với!”

3

Tôi xách thanh củi, đứng trước cửa nhà Trần Đại Hành, gõ ầm ầm vào cánh cửa sắt.

Không thể mắng chửi được, sức chiến đấu của tôi xem như giảm một nửa.

Chân phải của Trần Diễn Sinh từng bị thương, đi lại khó khăn, mãi mới đuổi kịp tôi:
“Sao thế vợ ơi?”

Chính câu “vợ ơi” của anh làm bốc lên ngọn lửa quyết chiến trong tôi.

Tôi đã là vợ anh, thì chính là hai con cào cào cùng chung một sợi dây! Không ai được phép ức hiếp nhà tôi nữa!

Chú thím hai của Trần Diễn Sinh vừa mắng vừa lầm bầm đi ra ngoài:

“Làm gì đấy? Tính cướp à?”

Tôi ra hiệu bằng tay: Trả lại tiền mừng cưới của nhà tôi!

Trần Diễn Sinh cố cười xòa: “Chú thím ơi, bọn con chỉ đưa vợ mới đến chào hỏi một tiếng.”

Tôi thật sự giận đến nghiến răng, chẳng trách anh bị bắt nạt bao năm nay.

Tôi liếc anh một cái sắc như dao, Trần Diễn Sinh hiểu ngay, vội vàng lắc đầu ngăn tôi lại.

Không nói được đúng là uất ức thật sự, tôi xách thanh củi nhóm lò, xông thẳng vào trong nhà. Tiền mừng cưới ít cũng phải hơn trăm tệ, không trả thì tôi lùa hết heo nhà họ về, coi như hai bên huề!

“Cô làm cái gì vậy? Không phải bảo là câm sao? Sao lại giống điên thế này!”

Chú thím hai của Trần Diễn Sinh lao vào chuồng heo, kéo tôi lại.

“Đừng động vào cô ấy!” Trần Diễn Sinh chắn trước mặt tôi, mắt rực lửa:
“Vợ tôi nói, trả lại tiền mừng cưới cho nhà tôi!”

Chú thím liếc nhau, cười khẩy: “Tiền mừng á? Nuôi mày lớn từng này, chẳng lẽ không phải để báo đáp bọn tao à?”

Không nói nhiều, tôi mở cửa chuồng heo, cầm gậy xua heo lao ra ngoài.

Thím hai hoảng quá, vội đứng chắn trước cửa chuồng: “Từ từ, có gì từ từ nói! Đừng động vào heo nhà tao!”

Muộn rồi. Con heo vốn bị nhốt bức bối lâu ngày, được dịp xông thẳng ra ngoài, húc luôn thím hai lên lưng rồi phi như bay.

“Cứu với! Cứu tôi với…”

Chú hai quýnh quáng đến mức nhảy dựng lên: “Heo của tôi! Trời ơi, heo của tôi!” rồi cắm đầu đuổi theo.

Tôi đứng trong chuồng heo, tay cầm thanh củi, cười nghiêng ngả.

Trần Diễn Sinh dẫn tôi về nhà, đun nước nóng cho tôi tắm, không quên càu nhàu:

“Dây vào họ làm gì, giờ em xem người toàn mùi gì kìa. Từ giờ coi như xong với nhà họ, mấy đồng bạc chứ bao nhiêu đâu.”

Ngăn cách bởi tấm rèm, tôi ngồi trong thùng gỗ đầy nước nóng, đột nhiên đứng phắt dậy, người không mặc gì cả.

Trần Diễn Sinh đứng chết trân nhìn, mặt đỏ bừng:
“Em làm gì đấy? Còn chưa tối mà…”

Tôi giận dữ ra hiệu: Anh tin không? Em sẽ bắt họ trả lại toàn bộ số tiền đã ăn chặn của anh.

Chưa dứt tay, Trần Đại Hành đã kéo tới đòi “tính sổ”, đứng ngoài cửa gào ầm lên.

Trần Diễn Sinh cuống cuồng dùng khăn quấn lấy tôi, tay chân luống cuống giúp tôi mặc đồ.

Tôi nhân cơ hội hôn chụt lên trán anh một cái. Mặt anh càng đỏ hơn.

4

“Liễu Ánh, con đàn bà này không đơn giản nha, heo thì chạy mất, mẹ tôi thì bị húc ngã, ba tôi vì đuổi theo mà suýt nữa gãy chân. Cô tính bồi thường thế nào?”

Tôi ra hiệu tay: Bồi cái đầu anh ấy! Mau trả lại tiền!

Trần Diễn Sinh phiên dịch: “Bớt nói nhảm đi, mau trả lại tiền mừng cưới!”

Được đấy, bắt đầu có dáng tôi rồi đấy!

Trần Diễn Sinh làm việc tay chân lâu năm, thân hình cao to vạm vỡ, khiến Trần Đại Hành đứng trước mặt anh như con gà con.

Thấy anh bắt đầu văng tục, khí thế của Trần Đại Hành xẹp lép ngay:
“Ai thiếu nợ gì nhà các người chứ?”