Còn tôi, vất vả bám lấy thành xe mà leo lên, rồi tự tìm một góc vắng vẻ, ngồi bệt xuống chẳng ai để ý.

Một thím từ làng bên, thấy cảnh thân mật giữa Hà Châu Chi và Tô Tĩnh An thì không khỏi buông lời trêu ghẹo:
“Ôi chao, hai vợ chồng mới cưới hả? Thân mật dữ vậy, còn chu đáo hơn cả lão nhà tôi hồi xưa!”

Tô Tĩnh An thoáng chốc đỏ mặt xấu hổ, Hà Châu Chi thì cứng đờ cả người, chẳng biết phải đáp sao.

Người chủ xe – cũng chính là trưởng thôn – cười xởi lởi giải thích:
“Ôi chị ơi, hiểu lầm rồi! Vợ ảnh là cô kia kìa, ngồi trong góc đó!”

Ánh mắt của thím nọ lập tức chuyển sang tôi, đầy kỳ quái và khó hiểu.
Nhưng bà ta cũng không tiện nói gì thêm, chỉ lẩm bẩm trong miệng:
“Đại Thanh không phải sụp rồi sao? Thế mà còn có thể ngang nhiên bỏ vợ chính, cưng chiều tiểu thiếp à?”

Giọng bà ta nhỏ, nhưng trong thùng xe chật hẹp ấy, từng chữ lọt vào tai tất cả mọi người.

Tô Tĩnh An đỏ bừng cả mặt, xấu hổ rút khỏi vòng tay của Hà Châu Chi.
Hà Châu Chi thì mặt mày u ám, bị nói đến mức không còn gì để chống đỡ, còn tranh thủ lúc mọi người không chú ý, trừng mắt lườm tôi một cái sắc như dao.

Tôi không bận tâm đến mấy màn diễn lố lăng ấy.
Chỉ siết chặt chiếc túi trong tay — bên trong là tất cả hy vọng và tương lai của tôi.

6

Sau khi xuống xe, đám đông dần tản đi, Hà Châu Chi nhìn tôi với ánh mắt càng thêm cáu kỉnh.

Hắn nhét một tờ tiền vào tay tôi, giọng lạnh tanh:
“Đây, năm đồng. Tự cô đi mua lấy cái gì mặc vào đi. Ba giờ chiều, quay lại đây tập hợp.”

Nói xong, hắn ném tờ tiền năm đồng vào lòng tôi, rồi quay lưng rời đi mà không buồn nhìn lại.
Vòng tay vẫn thân mật ôm lấy Tô Tĩnh An.

Trước khi đi khuất, Tô Tĩnh An còn quay đầu lại, nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thương hại, như thể tôi là kẻ đáng buồn nhất trần đời.

Tôi cúi xuống, nhặt tờ tiền từ dưới đất lên, nhét vào túi áo.

Dù tôi biết rõ — Mẹ Hà đã đưa cho hắn năm mươi đồng, nhưng trong mắt hắn, tôi chỉ đáng giá năm đồng.

Mà thôi, chẳng sao cả.
Tôi đã nói rõ với ông Lục rằng từ nay về sau đừng gửi tiền nữa.

Những gì đã cho, tôi coi như là mua đứt hết tất cả những ràng buộc giữa tôi và nhà họ Hà.

Tôi xoay người, bước về phía nhà ga.

Cho đến khi tôi ngồi lên chuyến tàu rời làng, hướng về kinh thành,
Những giọt nước mắt tôi đã kìm nén suốt mấy chục năm cuối cùng cũng rơi xuống.

Một tôi đã lãng phí cả thanh xuân trong cái làng nhỏ hẹp ấy, từng nghĩ rằng cuộc đời chỉ có thể như vậy.
Tôi bị gửi vào nhà họ Hà từ năm năm tuổi, người đàn ông mà tôi tiếp xúc nhiều nhất chính là Hà Châu Chi.
Thế nên, không tránh khỏi — tôi yêu hắn.

Nhưng hắn thì sao?

Hắn xem tôi là em gái, là người giúp việc, là công cụ, nhưng chưa từng coi tôi là vợ.
Tình yêu mà tôi cất giữ hơn mười năm, có lẽ chỉ là một loại chấp niệm mù quáng.

Nếu cha mẹ tôi trên trời có linh thiêng, biết tôi kiếp trước chỉ quanh quẩn xoay vòng vì đàn ông và gia đình người ta, chắc sẽ đau lòng và giận tôi lắm, đúng không?

Nhưng không sao…
Tôi cảm ơn ông trời vì đã cho tôi một cơ hội sống lại.

Có lẽ, đó là do cha mẹ trên trời không nỡ để tôi sống khổ thêm nữa, nên mới gửi nguyện ước để tôi được sống lại một lần.

Hy vọng từ nay về sau, cuộc đời tôi sẽ mãi mãi rực rỡ.

7

Khi đến được kinh thành, việc đầu tiên tôi làm là đến Bệnh viện Thủ đô, giao vài mẫu tóc cho phòng xét nghiệm.

Sau đó, tôi dựa theo địa chỉ, tìm đến tận cửa nhà ông Lục.

Đã biết bao nhiêu năm rồi, tôi chưa từng quay lại nơi này.
Đứng trước căn biệt thự nghiêm trang và đầy uy nghi của nhà họ Lục, tôi bất giác thấy có chút lo lắng và bất an.

Nhưng khi cô giúp việc mở cửa nhìn thấy tôi, gương mặt lập tức hiện lên vẻ vui mừng:
“Cô là cô Lâm phải không? Ông cụ đã dặn rồi, mấy hôm nay cô sẽ đến kinh thành. Mau vào đi, ông đang đánh cờ đấy!”

Tôi khẽ gật đầu, rồi đứng ngay ngưỡng cửa, dậm chân thật kỹ để đất bùn rơi hết khỏi giày.
Chỉ đến khi cảm thấy sạch sẽ rồi, tôi mới bước vào nhà họ Lục.

Nhà họ Lục yên tĩnh hơn tôi tưởng rất nhiều.
Trong phòng khách rộng lớn, chỉ có hai cụ già đang ngồi đối cờ.

Vừa trông thấy tôi, ông Lục “bốp” một tiếng đặt mạnh quân cờ xuống bàn, làm rối cả thế trận, rồi chống gậy đứng dậy, nhanh chóng đi về phía tôi.

Ông cụ còn lại tức tối hét lên:
“Lục Quân An! Ông lại chơi gian đấy à, già rồi còn không biết xấu hổ!”

Ông Lục rưng rưng nước mắt, nhìn tôi từ đầu đến chân, xúc động nói:
“Đứa nhỏ ngoan, con đã vất vả rồi.”

Chỉ mấy lời ngắn ngủi ấy, lại như kỳ tích xóa sạch bao ấm ức suốt mấy chục năm của tôi.

Tôi đưa tay ôm chặt lấy ông, nước mắt cứ thế trào ra.

Lẫn trong vị đắng là một niềm vui mới, tươi sáng như ánh ban mai.

Tôi kể cho ông nghe chuyện ở quê, mỗi một câu, ông lại giận thêm một phần.
Người bạn già bên cạnh ông cũng đập bàn, tức giận không kém:

“Con gái à, chuyện này cứ để ta lo! Hắn không muốn ly hôn cũng phải ly! Bây giờ là xã hội mới rồi, phụ nữ nước ta đâu phải để người ta ức hiếp!”

Lúc này ông Lục mới giới thiệu tôi với vị khách kia — Giáo sư Cố, người bạn tri kỷ lâu năm của ông.

Theo lời ông Lục kể, vợ của giáo sư Cố là cán bộ trong Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Nghe xong chuyện tôi đã trải qua, bà vô cùng đau lòng, không nói hai lời liền giúp tôi nộp đơn xin thủ tục ly hôn cưỡng chế từ cấp trên.

Biết tôi đã đậu vào Đại học Thanh Hoa, ánh mắt giáo sư Cố nhìn tôi càng thêm tán thưởng.

Trước khi rời đi, ông còn dặn dò đầy ẩn ý:
“Con gái, phải chăm chỉ học hành.”

Sau đó, ông Lục mới nói với tôi — giáo sư Cố chính là trưởng khoa Hóa học của Đại học Thanh Hoa.

Mà ngành tôi muốn học nhất ở kiếp này, chính là Hóa học.

8

Vẫn còn một tháng nữa Thanh Hoa mới khai giảng.
Không nỡ từ chối lòng nhiệt tình của ông Lục, tôi ở lại nhà họ Lục tạm thời.

Ban đầu tôi còn lo liệu gia đình ông sẽ có ai tỏ vẻ khó chịu,
Nhưng không ngờ — mọi người nhà họ Lục đều tốt bụng như ông.

Nhà ông Lục có hai con trai, một con gái, ai cũng đã lập gia đình.
Mỗi ngày sau giờ học, mấy đứa cháu nội ngoại chạy nhảy đầy nhà, tiếng cười giòn tan vang khắp phòng khách.

Anh cả, anh hai nhà họ Lục trò chuyện với tôi về định hướng học tập,
Cô út nhà họ Lục thì ôm chặt tôi vào lòng, xót xa không thôi.

Từ khi cha mẹ mất, tôi chưa từng được cảm nhận lại thứ tình thân ấm áp như thế này.

Để đền đáp lòng tốt của gia đình ông Lục, tôi chủ động giúp kèm học cho các cháu của ông mỗi ngày.

Thời gian trôi qua như chớp mắt, thoắt cái đã đến ngày khai giảng.

Tôi tạm biệt ông Lục, quyết định đến ký túc xá Đại học Thanh Hoa để ở.
Dưới sự kiên quyết của ông, tôi hứa mỗi tuần sẽ quay về ăn một bữa cơm đoàn viên.

Trước khi chuyển đến ký túc xá, tôi âm thầm gửi đi hai bản giám định quan hệ cha con, cùng với một bức thư.

Tôi không ngờ rằng — sự ra đi của tôi đã khiến nhà họ Hà rối tung lên như ong vỡ tổ.

Lúc Hà Châu Chi và Tô Tĩnh An từ thành phố trở về làng, ban đầu họ hoàn toàn không nhận ra tôi không có mặt trên xe.

Dù sao thì, trong mắt hai người ấy chỉ có nhau, ai mà rảnh quan tâm xem tôi còn ở đó hay không?

Mãi đến khi hai đứa trẻ tè dầm đầy giường, Mẹ Hà mới gào ầm lên gọi tôi ra dọn.

Nhưng gọi mãi, không có ai trả lời.

Lúc đó Hà Châu Chi mới sực nhớ ra — mình đã bỏ quên tôi ở lại thành phố.

Mẹ Hà quýnh lên, vội vàng bảo hắn lập tức đi tìm:
“Mau đi đón con bé về! Trời đất ơi, lỡ nó có chuyện gì thì sao!”

Nhưng Hà Châu Chi lại tỏ vẻ xem thường, cho rằng bà đang làm quá lên:
“Cô ta cũng đâu phải trẻ con. Không lẽ không biết đường về nhà?”

Nói xong, hắn thản nhiên quay đầu lại, tiếp tục quấn quít với Tô Tĩnh An, không buồn quan tâm thêm một câu.

Ngay cả khi hai đứa trẻ khóc lóc om sòm, Hà Châu Chi cũng mặc kệ.
Tô Tĩnh An thì tuy có chút thương xót, nhưng mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi khiến một tiểu thư chưa từng động đến giọt nước rửa tay như cô ta phải lập tức tránh xa ba bước.
Cuối cùng, vẫn là Mẹ Hà phải vừa thu dọn, vừa chửi ầm lên gọi tên tôi.

Bà ta giận đến nghiến răng:
“Chờ nó mà về, bà phải dạy cho một trận ra hồn mới được!”

Thế nhưng — bà ta chờ hết ba ngày, rồi bốn, rồi năm,
mà vẫn không thấy bóng dáng tôi đâu.

Lúc này, cả nhà Hà Châu Chi mới bắt đầu cảm thấy bất ổn.