Đúng lúc đó, mẹ tôi vác cuốc đi tới.
Bà trừng mắt nhìn bọn họ, giọng chua ngoa:
“Mấy người vừa ăn cứt xong à? Sao miệng thúi vậy?”
“Mấy người muốn thối rữa cả đời ở cái làng này là chuyện của mấy người!”
“Còn tôi! Tôi sẽ đưa con gái tôi lên huyện, rồi lên thành phố, sau này hai mẹ con tôi còn đi khắp thế giới!”
“Một lũ ếch ngồi đáy giếng, suốt ngày ngồi một chỗ mà cười nhạo người khác cố gắng. Thử soi gương nhìn lại mình đi!”
Bà chỉ thẳng vào mặt bà nội:
“Bà còn dám nói thằng Thanh là dân thành phố? Nó chẳng qua chỉ là một thằng ở rể!”
“Sau này có con trai cũng không được mang họ Vương!”
Lời này đánh trúng “tử huyệt” của bà nội, khiến bà giận đến mức dậm chân đùng đùng:
“Con đàn bà hư hỏng, dám chửi cả bà già này à? Cả đời này, mày cũng chỉ là một con đàn bà quê mùa mà thôi!”
“Bé Bối cái đầu óc ngu ngốc như vậy, làm gì có cửa đậu vào cấp hai trên huyện? Còn mày, học chưa xong tiểu học mà mơ được nhận vào xưởng trên thành phố? Mơ giữa ban ngày!”
Vừa dứt lời, trên con dốc nhỏ phía xa, bà Triệu la lớn:
“Ngọc Phân! Trường Thành Nam trên huyện và xưởng tre đều gọi điện tới nhà đấy!”
“Mau đến nghe điện thoại!”
14
Tôi và mẹ lập tức cắm đầu chạy như bay.
Một đám phụ nữ trong làng cũng lật đật chạy theo xem náo nhiệt.
Thời đó gọi điện thoại bàn không quen áp sát vào tai, mọi người đều bật loa ngoài.
Mẹ bấm số gọi lại cho Trường Thành Nam trước.
Chỉ chờ hai ba hồi chuông, bên kia đã bắt máy:
“Chúc mừng, Kim Bối đã đậu vào trường chúng tôi! Hai mẹ con sắp xếp thời gian đến nhận giấy báo nhập học, đồng thời chuẩn bị học phí nhé…”
Mẹ bấu chặt tay tôi, đau đến mức tôi phải la lên.
Mắt bà đỏ hoe:
“Không phải mơ! Hóa ra không phải mơ!”
Bà nội đảo mắt, lẩm bẩm:
“Đúng là nó may mắn chó cắn thật! Nhưng đậu thì sao? Thành Nam là trường tư đắt đỏ, chúng mày có tiền đóng học phí không?”
Mẹ lau nhanh khóe mắt, lập tức quay số gọi cho xưởng tre.
Bên kia rất nhanh báo tin:
“Bên tôi vừa có người xin nghỉ việc, cô có thể đến nhận việc ngay.”
“Lương tháng 480 tệ, bao ăn ở.”
Lúc đó, một người thợ xây vất vả làm cả ngày dưới trời nắng gắt cũng chỉ kiếm được 18 tệ.
Chưa kể tiền công thường trả theo đợt, có khi còn không có việc làm đều đặn mỗi ngày.
Trong phòng khách, bầu không khí im lặng đến nghẹt thở.
Bà Triệu là người đầu tiên phản ứng lại, cười nói với mẹ tôi:
“Ngọc Phân, đúng là song hỷ lâm môn! Tối nay phải làm gà làm vịt ăn mừng thôi!”
Mấy bà thím trong làng lập tức xôn xao.
“Lương 480 tệ lại còn bao ăn ở, vậy chẳng phải là tiền lãi hết sao?”
“Đi tận Quảng Đông làm công nhân cũng chỉ kiếm được 500-600 tệ một tháng, mà lại xa xôi tốn kém!”
“Ngọc Phân mới học hết tiểu học mà còn vào được xưởng, vậy con gái nhà tôi học hết cấp hai, chắc chắn cũng có thể vào!”
…
Thái độ của mọi người thay đổi chóng mặt.
Ai cũng vây quanh mẹ tôi, hết lời nịnh nọt, hỏi bà có thể giúp con gái/cháu gái/dâu trong nhà xin việc vào xưởng hay không.
Bà Triệu cười khẩy:
“Ngọc Phân còn chưa ngồi ấm chỗ mà mấy người đã tưởng bà ấy có quyền lực lớn vậy à?”
“Nhà mấy người muốn vào làm thì trước tiên cũng phải học nhiều như bà ấy đi đã!”
Mấy bà thím bị chọc quê, ai cũng tỏ vẻ xấu hổ.
Bà nội tôi nghiến răng, giọng đầy ghen ghét:
“Một đứa thất học như nó mà cũng được vào xưởng? Không chừng là ngủ với sếp rồi!”
15
Mẹ tôi tức giận, gân xanh nổi lên trên trán:
“Tao chỉ ngủ với tổ tiên mười tám đời nhà bà thôi!”
“Tao vào xưởng bằng chính sức mình, sau này cũng sẽ kiếm tiền nuôi thân bằng chính sức mình!”
“Bà mà còn ăn nói bẩn thỉu nữa, tao xé rách cái miệng của bà ngay bây giờ!”
Bà lao tới định động tay, đám phụ nữ xung quanh vội vàng kéo mẹ lại.
Bà nội tôi bị dọa đến mức co rúm, lủi mất tăm.
Trước khi đi vẫn không quên buông một câu độc địa:
“Lên huyện thì đừng có tìm con trai tao! Nó không thèm ngó ngàng đến đứa đàn bà quèn làm công nhân dây chuyền đâu!”
Mẹ cười nhạt, nói thẳng:
“Tao cũng chẳng thèm một thằng đàn ông đi ở rể!”
Câu này suýt làm bà nội nghẹn họng đến không thở nổi.
Những ngày sau, mẹ vừa lo thu xếp nhà cửa, vừa bàn kế hoạch với tôi.
“Con sẽ theo mẹ lên huyện học bổ túc. Con vốn không phải đứa thông minh, không chăm chỉ thì càng không theo kịp bạn bè.”
“Nhưng mẹ ở đâu? Mẹ thuê nhà thì tốn tiền lắm!”
“Những chuyện này con không cần lo. Mẹ nhịn ăn nhịn mặc bao năm nay, chính là để dành tiền cho lúc này.”
“Chỉ cần con học tốt, số tiền đó không phí chút nào.”
Hồi đó, hầu hết con gái trong làng đều bỏ học sớm để đi làm.
Người như mẹ, cố gắng hết sức để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con, là trường hợp hiếm thấy.
Vài ngày sau, bố tôi cũng về làng.
Ông cau mày nói:
“Ngọc Phân, tôi thấy bà điên rồi! Dù sao thì tôi cũng không bỏ ra đồng nào đâu, và Bé Bối cũng không thể ở nhà tôi!”
Mẹ nhếch môi cười lạnh:
“Yên tâm! Tôi biết một thằng ở rể như anh phải nịnh vợ, còn phải xách nước rửa chân cho con riêng của bà ta.”
“Anh có tư cách gì mà dám giành con gái với tôi?”
Bố tôi đỏ bừng mặt, gầm lên:
“Tôi không phải ở rể!”
Mẹ lườm ông, giọng đầy khinh thường:
“Thế có giỏi thì tự mua nhà trên huyện đi. Để xem vợ anh có chịu theo anh không!”
“Ngoài cái mặt ra, anh còn có bản lĩnh gì nữa?”
“Trên giường được ba phút, vợ anh chắc cũng chẳng chịu nổi đâu?”
Bố tôi xanh mét rồi lại trắng bệch, suýt thì tức hộc máu.
“Con đàn bà vô liêm sỉ! Trước mặt con gái mà nói mấy lời như vậy!”
Mẹ bật cười sảng khoái:
“Có người bị nói trúng tim đen nên nhảy dựng lên kìa!”
Trận này, bố tôi thua thảm hại!
Hôm mẹ đến xưởng tre nhận việc, bà dắt tôi theo.
Khi hỏi tổ trưởng xem có nhà nào cho thuê gần đó không, vô tình bị quản lý xưởng – ông Cao – nghe thấy.
Vợ ông Cao đã bỏ đi với người khác từ tám năm trước, từ đó ông một mình nuôi con trai.
Có lẽ vì đồng cảm, ông chỉ vào một căn nhà lắp ghép ngay trong xưởng:
“Nếu cô không ngại nóng, có thể tạm thời ở đây.”
16
Mấy người ở đây có từng trải qua cái nóng mùa hè trong một căn nhà lắp ghép không?
Gió từ chiếc quạt thổi vào mặt hầm hập như hơi lửa từ bếp than.
Chỉ cần vô ý chạm tay lên vách tường, tôi có thể nghe thấy tiếng da mình như đang cháy xèo xèo.
Trước khi ngủ, mẹ phải hắt nước làm ướt nền nhà mấy lần.
Dù vậy, suốt cả đêm, mồ hôi thấm đẫm quần áo, dính chặt vào da, không khô được chút nào.
Nhưng tôi vẫn thích căn nhà lắp ghép này.
Vì ở đây không có rắn bò vào phòng lúc nửa đêm.
Không có chuột chạy rột roạt trên trần nhà.
Không còn những lần giật mình tỉnh giấc lúc ba giờ sáng, phát hiện mái nhà dột, chăn đệm ướt sũng nước mưa.
Ông Cao – quản lý xưởng tre – có một cậu con trai trạc tuổi tôi, đang học thêm ở trung tâm bổ túc.
Mẹ tranh thủ hỏi thăm về các lớp học thêm trên huyện.
Ông Cao nghe xong mà ngạc nhiên không tin nổi:
“Bà kiếm có 480 tệ một tháng, mà dám cho con gái học lớp bổ túc tận 400 tệ?”
Mẹ hơi ngại, nhưng vẫn kiên quyết:
“Cũng không phải học mãi, chỉ có hai tháng hè thôi mà.”
“Tôi chỉ có một đứa con, chẳng lẽ để nó sống lông bông?”
Mọi người trong xưởng không ai hiểu nổi suy nghĩ của mẹ, nhưng bà vẫn cắn răng gửi tôi vào lớp học thêm – một khoản chi xa xỉ đối với chúng tôi.
Dù vậy, tôi chỉ có thể theo học lớp 8 người, còn con trai ông Cao – Cao Triết Viễn – thì học lớp gia sư 1 kèm 1 dành cho học sinh giỏi.
Mẹ làm công nhân phổ thông.
Công việc hằng ngày là phân loại và ép tre.
Nhưng do đã quen đan rổ, đan thúng ở quê nên tay nghề chọn tre của bà nhanh hơn hẳn người khác.
Bà chỉ cần liếc mắt là biết nguyên liệu nào phải sử dụng ngay, nguyên liệu nào có thể để lâu hơn một chút.
Tan làm, mẹ không đi chơi hay nghỉ ngơi mà tiếp tục đọc sách về tre nứa, về quy trình sản xuất.
Cả ngày lẫn đêm, bà chỉ xoay quanh công việc.
Những điều này dần lọt vào mắt ông Cao.
Ông thỉnh thoảng lại trò chuyện với mẹ một cách khá thân thiện.
Có lúc thấy mẹ quát tháo hay đánh tôi, ông lại lên tiếng:
“Bé Bối lớn rồi, con gái thì không nên đánh.”
Mẹ cười trừ:
“Ở quê, người ta vẫn dạy con bằng roi vọt mà.”
Dù miệng nói vậy, nhưng mẹ cũng dần ít đánh tôi hơn.
Khai giảng năm học mới.
Mở màn bằng bài kiểm tra xếp lớp.
Dù đã cố gắng học bổ túc suốt mùa hè, nhưng trường tôi có đến 500 học sinh, và tôi chỉ xếp hạng 300.
Mẹ nhận bảng điểm, mặt xanh mét.
Bà gầm lên như sấm nổ:
“Tao bỏ từng đó tiền cho mày đi học thêm, vậy mà mày đứng thứ 300?”
Bên kia, ông Cao cũng giận đến nổ đom đóm mắt:
“Bỏ tiền học kèm 1-1 mà mày xếp thứ 400?”
“Mày… mày muốn chọc điên bố mày sao?”
Ông vớ lấy một thanh tre, định vụt con trai.
Mẹ quên luôn chuyện mắng tôi, vội vàng chạy lại can ngăn:
“Không phải bảo trẻ lớn rồi thì không được đánh sao?”
Ông Cao tức đến mức cả người run lên:
“Nhịn không nổi nữa rồi!”
17
Cao Triết Viễn bị đánh.
Mẹ vì lao vào can cũng bị vạ lây hai gậy, thành ra chẳng còn sức để xử lý tôi nữa.
Tối hôm đó, bà ôm sách đọc đến tận nửa đêm.
Tôi liếc qua bìa sách, tiêu đề là:
“Làm thế nào để chấp nhận một đứa con bình thường?”
Sau khi đọc xong, mẹ còn hớn hở đem quyển sách đi giới thiệu cho ông Cao.
Tôi và bạn cùng lớp có khoảng cách rất lớn.
Họ đều mê thần tượng.
Ngày nào cũng bàn tán xem nhóm F4, Phi Luân Hải hay nhân vật nào trong Slam Dunk đẹp trai nhất.
Họ còn sưu tầm đủ loại poster, bưu thiếp, cứ tan học là mang ra khoe nhau.
Thỉnh thoảng, họ cũng quay sang hỏi tôi:
“Cậu thích ai nhất?”
Tôi không biết.
Bởi tôi không quen ai trong số đó.
Tôi thậm chí cũng không hiểu cái gã tóc xoăn, đeo băng đô, mặc áo ba lỗ Đạo Minh Tự thì có gì đẹp trai?
Các bạn nữ ngày nào cũng diện đồ của Aiyilian, Semir, thậm chí còn nhiều nhãn hiệu tôi chưa từng nghe qua.
Còn tôi, chỉ có thể mặc lại đống quần áo cũ mà dì Tú mang về từ thành phố.
Có lần, sau khi kết thúc bài thể dục giữa giờ, mọi người đều cởi áo khoác đồng phục ra.
Lớp trưởng môn tiếng Anh đột nhiên nhìn chằm chằm vào áo tôi, nói:
“Áo của cậu trông giống y hệt áo của tớ.”
Nói rồi, cô ấy chỉ vào cúc áo trên tay áo:
“Nút này là do mẹ tớ khâu thêm vào, vì tớ thấy nó không đối xứng nên không thích mặc nữa.”
“Sau đó, mẹ tớ gói chung với đống quần áo cũ, gửi cho người thân ở quê.”
Cô ấy mở to mắt nhìn tôi:
“Hóa ra cậu là người họ hàng đó à?”
“Tớ còn nhiều bộ đồ không thích mặc, cậu có muốn không?”
Cả lớp đồng loạt quay lại nhìn tôi.