Họ vốn chỉ nghe nói thế, rồi hùa nhau tới đòi lợi lộc, chứ có ai thật sự biết được chứng cứ gì đâu.
Ánh mắt tôi đảo qua từng người một, họ nhìn nhau rồi lúng túng cúi đầu, không ai dám đáp.
Ngưu Cường nhất thời cũng bí lời, nhìn quanh đám đông một lượt, thấy chú Trương đang trốn trong đám người thì mắt sáng rực lên.
“Chú Trương! Ở kia! Mau ra đây!”
Chú Trương đang định chuồn thì bị Ngưu Cường lôi ra đứng trước mặt mọi người, trong lòng thầm chửi thằng nhóc kéo người xuống nước.
Ngưu Cường hùng hổ chỉ vào chú Trương:
“Tôi có nhân chứng đấy nhé! Hôm đó chính chú Trương thấy cuốn sổ sách của nhà họ, trên đó ghi rõ ràng một cái áo lông vũ bán giá một ngàn hai trăm tệ!”
“Có bản lĩnh thì lấy sổ ra đối chiếu xem nào!”
Tôi nhìn sắc mặt mất tự nhiên của chú Trương, chợt nhớ đến chuyện ông ta lén lấy sổ hôm trước.
Tôi hừ lạnh:
“Ngốc mới tin chuyện sổ sách mà để cho người ngoài xem. Các người chỉ nói miệng rồi muốn tôi lôi cả sổ ra đưa tận tay, nằm mơ à?”
Tôi còn chưa kịp nói tiếp thì bố tôi kéo nhẹ tay áo tôi, ánh mắt đầy bất lực.
“Xin Xin à, mình đều là người làng nước với nhau, đừng làm lớn chuyện quá.”
“Nhà ai cũng không dễ sống, hay là… hay là mình tăng thêm chút tiền cho họ đi.”
Nhìn vẻ yếu đuối của bố, máu trong người tôi như sôi lên.
Lúc nào cũng thế, hễ có tranh cãi với dân làng là bố lại cúi đầu nhận lỗi, dù đúng hay sai cũng chẳng quan trọng nữa.
“Bố! Sao bố có thể như vậy chứ!” Tôi tức đến phát khóc, giọng cũng nghẹn lại, “Họ đã bắt nạt bố đến nước này, mà bố còn muốn nhún nhường? Mình không làm gì sai cả, tại sao phải tăng tiền cho họ?”
Bố nhìn tôi, trong mắt toàn là mỏi mệt và cam chịu.
Ông mở miệng định nói gì đó, nhưng cuối cùng lại chỉ thở dài, không nói nên lời.
Tôi hiểu, thật ra trong lòng ông cũng ấm ức, cũng thấy bất công.
Nhưng ông vẫn luôn giữ suy nghĩ “dĩ hòa vi quý”, không muốn mâu thuẫn với dân làng.
Tôi nghẹn ngào:
“Mỗi lần có chuyện là bố lại xin lỗi, lại nhún nhường, cho dù không phải lỗi của mình! Làm vậy chỉ khiến họ càng được đà bắt nạt, nghĩ rằng mình dễ ăn hiếp!”
Tôi vừa giận vừa thương khi nhìn gương mặt bố đầy những nếp nhăn.
Ngưu Cường cười khẩy, ra vẻ đắc ý:
“Ồ, còn biết gắp lửa bỏ tay người rồi đấy? Ai bắt nạt các người chứ.”
“Thẩm Tâm, cô hỏi thử mọi người ở đây xem, ai mà không biết nhà cô bán áo lông giá trên trời? Chú Trương tận mắt thấy sổ sách, cô còn định chối nữa à?”
Tôi hít một hơi thật sâu, cố kiềm nén cơn giận.
“Ngưu Cường, đừng quá đáng quá!” Tôi nghiến răng, giọng run lên, “Bố tôi là người thế nào, chúng tôi tự biết. Vì dân làng mà ông ấy chấp nhận lỗ vốn để thu lông vịt. Mấy người dựa vào đâu mà vu oan cho ông ấy?”
“Haha, nghe hay chưa kìa? Nói trắng ra vẫn là muốn kiếm tiền từ bọn tôi thôi!” Ngưu Cường bĩu môi khinh bỉ. “Còn bày đặt lỗ vốn thu lông vịt, tôi thấy cô toàn nói xạo!”
Tức đến mức nghẹn thở, tôi kéo tay bố, dứt khoát nói:
“Bố, mình đi! Không thèm đôi co với họ nữa!”
3
Bất ngờ, thím Lý trong đám đông gào lên, chỉ tay vào bố tôi, ánh mắt căm hận:
“Tôi nói mà, bảo sao ông không cho con trai tôi làm ở xưởng ông, thì ra là sợ nó biết ông kiếm tiền thất đức chứ gì!”
“Nếu ông cho nó vào làm, thì nó đã chẳng phải sang Áo Thành làm thuê, cũng không mắc nợ đầy mình, đến giờ còn chưa cưới nổi vợ!”
“Thẩm Trung Thành, ông trời sẽ trừng phạt ông! Chết cũng chẳng có con trai tiễn đưa, đáng đời ông lắm!”
Thằng con nhà họ Lý vốn là tên lưu manh có tiếng trong làng, trước kia thấy bố tôi chỉ có một đứa con gái là tôi, liền nảy ra cái ý định đoạn tử tuyệt tôn.
Lợi dụng lúc bố tôi không có nhà, hắn ta dẫn bà mối mang lễ vật đến, định dụ dỗ tôi làm chuyện đã rồi.
Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng không phải kẻ ngốc, lập tức vớ lấy cây chổi quét nhà đuổi cả đám ra ngoài.
Nghe thấy thím Lý mắng bố tôi, ông nhớ lại chuyện cũ, sắc mặt thoáng chùng xuống, gằn giọng nói:
“Thím à, chuyện con thím làm năm đó trái đạo đức thế nào, tôi nhịn lắm mới không ra tay, chứ đừng nói gì đến chuyện cho nó lại gần con gái tôi.”
“Ông… ông…” Thím Lý chỉ tay vào bố tôi, nghẹn lời mãi không nói được, cuối cùng giậm chân, vừa khóc vừa la:
“Ông bắt nạt người ta! Thẩm Trung Thành, ông bắt nạt mẹ góa con côi bọn tôi!”
“Vịt tôi cực khổ nuôi, lông cũng cực khổ nhổ, còn phải nhặt hết rác bẩn mới dám đem bán cho ông.”
“Tôi chỉ trông vào từng đồng đó mà sống qua ngày! Trời ơi, sao lại bất công như thế này!”
Một vài người không rõ đầu đuôi thấy thím Lý làm ầm ĩ thì sinh lòng thương hại, quay sang trách móc nhà tôi hẹp hòi, không biết cảm thông.
Tôi tức quá hóa bật cười, liền lớn tiếng phản bác:
“Thím à, năm đó chồng thím mất, chính bố cháu là người bỏ ra mười nghìn để lo hậu sự, còn giúp thím đưa quan tài.”
“Giờ chỉ vì một chuyện nhỏ, thím ở đây ăn vạ, bôi nhọ thanh danh bố cháu, thím có xứng đáng với ơn nghĩa năm đó không?”
Chú Thao đứng bên chen vào khuyên can:
“Trung Thành à, thím Lý sống cũng đâu có dễ, thôi thì người ta nhịn được thì nhịn đi, chấp làm gì.”
Tôi lập tức phản đòn:
“Chú Thao, năm đó vợ chú nằm viện cũng là vay bố cháu ba mươi nghìn đấy, đến giờ vẫn chưa trả.”